Xu hướng thiết kế nhà ở hiện nay thường ưu tiên tầng tum. Vậy tầng tum là gì? Nhà ở có nên làm tầng tum hay không? Trong trường hợp làm tầng tum thì cần lưu ý những gì? Hãy cùng Tây Hà tìm hiểu ngay sau đây.
1. Tầng tum cho nhà ở là gì?
Tầng tum chỉ phần trên cùng của ngôi nhà, có sân trước và sân sau. Vai trò của tầng tum là che chắn cầu thang và thường được các gia chủ thiết kế thêm phòng chức năng tại đây.
Phân biệt tầng tum với tầng áp mái
Tầng áp mái ở trong không gian mái dốc. Toàn bộ hoặc một phần mặt đứng được tạo nên từ bề mặt mái gấp hoặc là mái nghiêng. Tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5m. Sự khác biệt của 2 tầng này nằm ở vị trí và diện tích xây dựng:
- Tầng tum ở trên cùng, che cầu thang lên sân thượng và không xây hết mặt sàn.
- Tầng áp mái thuộc không gian của mái dốc, xây trên toàn bộ mặt sàn.
2. Có nên xây tầng tum cho nhà ở?
Đối với kiến trúc nhà ở thì tầng tum đáp ứng được tiêu chí công năng, thẩm mỹ lẫn phong thủy. Cụ thể là:
Tăng không gian sử dụng
Tầng tum mở rộng diện tích sử dụng cho nhà ở mà không tốn quá nhiều chi phí. Gia chủ có thể thiết kế tầng tum làm nơi thờ cúng, chứa đồ, phòng ngủ, nơi làm việc…
Thông gió, đón sáng và chống nóng
Thiết kế tầng tum giúp đón sáng tự nhiên vào bên trong nhà. Đây cũng là nơi có chức năng thông gió, mang đến sự thông thoáng cho không gian bên trong.
Nếu bố trí thêm các loại cây thân leo, cây xanh ở tầng này thì các tầng bên dưới sẽ được cách nhiệt, chống nóng tối ưu trong mùa hè.
Phong thủy tốt
Theo phong thủy nhà ở thì số tầng chẵn thường mang điều không tốt, cho nên việc xây tầng tum để hài hòa âm dương, ngũ hành. Điều này lý giải được vì sao các mẫu nhà 2 tầng 1 tum rất được yêu thích.
Tăng tính thẩm mỹ
Ngoài các vai trò trên thì sự hiện diện của tầng tum còn giúp nhà ở cao ráo, thoáng đãng và ấn tượng hơn. Như đã nói ở trên, tầng tum mang đến nhiều tác dụng hữu ích cho nhà ở. Và việc thiết kế tầng tum hay không phụ thuộc vào nhu cầu và điều kiện của từng gia đình. Nếu muốn thêm diện tích sử dụng nhưng không có bề rộng, nhà ở khu vực có quy định giới hạn về số tầng thì nên làm tầng tum. Mặt khác, chi phí làm tầng tum cũng không quá tốn kém.
3. Lưu ý khi xây tầng tum cho nhà ở
Thiết kế tầng tum đón ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt nhất
Ánh sáng, nguồn gió tự nhiên tốt cho sức khỏe, tiết kiệm điện và tạo cảm giác rộng rãi cho không gian sống. Để đón ánh sáng tốt nhất cho tầng tum, bạn nên dùng cửa kính trong hoặc là thiết kế nhiều cửa sổ. Hệ cửa bố trí hợp lý còn giúp thông gió tốt cho tầng tum.
Dùng nội thất tối giản, đa năng
Tầng tum vốn hạn chế về diện tích, vì vậy đồ nội thất nên hướng đến sự tối giản, tiết chế số lượng để tạo sự thông thoáng. Lúc này nội thất đa năng là lựa chọn hoàn hảo. Ngoài ra, nên ưu tiên nội thất mang tông màu trung tính chủ đạo để căn phòng trông rộng rãi hơn.
Tạo điểm nhấn
Không gian trên tầng tum cũng cần điểm nhấn để tạo sức hút. Thông thường, đồ nội thất sẽ được dùng làm điểm nhấn cho không gian này, có thể là bộ bàn ghế, ghế bành, cây cảnh…
Chống nóng, cách nhiệt tốt
Ở vị trí trên cùng của nhà nên tầng tum chịu tác động trực tiếp của ánh nắng. Do đó bạn cần có biện pháp cách nhiệt, chống nóng cho không gian này như: lắp các thiết bị làm mát, trồng cây xanh….
Chống thấm
Chống thấm cũng là hạng mục đáng quan tâm khi thiết kế tầng tum. Tầng tum bị thấm dột sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, kết cấu công trình và mất thẩm mỹ.
Các giải pháp chống thấm cho tầng tum: màng khò nóng, sơn chống thấm, nhựa đường, hóa chất chống thấm…
Với các thông tin vừa rồi, hy vọng bạn sẽ làm rõ băn khoăn có nên xây tầng tum hay không, đồng thời hiểu rõ hơn về tầng nhà này để có cách thiết kế phù hợp, hiệu quả.